Đọc tờ thông tin bệnh nhân ISUOG về coronavirus và mang thai.

Ngày 28 tháng 03 năm 2020: Vui lòng lưu ý rằng những thông tin được cung cấp dưới đây chỉ dựa trên số liệu của một số lượng ít các trường hợp thai phụ dương tính với coronavirus. Những thông tin mới sẽ được cập nhật ở phần thông tin hằng ngày. Chúng tôi khuyên thai phụ nên trao đổi với Bác sĩ hoặc Nữ hộ sinh để có được những thông tin cập nhật.

COVID-19 là gì?

COVID-19 là một bệnh lý được gây ra bởi một loại coronavirus, đây là virus tương tự các loại virus gây bệnh cúm thông thường khác. Trong khi hầu hết những người nhiễm Covid-19 có triệu chứng không khác so với nhiễm cúm thông thường, những người có các bệnh lý nền như bệnh phổi, đái tháo đường có nguy cơ cao xuất hiện triệu chứng nặng hoặc tiến triển bệnh lý phổi nặng. Triệu chứng điển hình của người nhiễm COVID-19 bao gồm sốt và ho hoặc cảm thấy khó thở. Trong trường hợp nặng, các triệu chứng về hô hấp sẽ trở nên trầm trọng và cần phải được điều trị tại bệnh viện hoặc đơn vị chăm sóc đặc biệt.

Virus này lây lan như thế nào?

Virus gây bệnh COVID-19 lây lan chủ yếu qua con đường tiếp xúc với người nhiễm hoặc tiếp xúc vào những đồ vật mà họ vừa chạm vào, ho hoặc hắt hơi vào. Virus có thể được tìm thấy trong nước bọt hoặc dịch tiết từ mũi. Virus này đi vào cơ thể qua các con đường tiếp xúc qua mắt, mũi, miệng.

Làm thế nào để phòng tránh COVID-19?

Rửa tay thường xuyên sau khi tiếp xúc với các vật dụng bên ngoài nhà bạn và tránh dùng tay để sờ, chạm vào mặt là những cách tốt nhất để tránh nhiễm bệnh. Giữ khoảng cách với người khác khi ra ngoài (cách xa người khác ít nhất 2 mét) và ở nhà càng nhiều càng tốt cũng là những phương án hạn chế để tránh nhiễm bệnh. Để hạn chế lây lan virus sang người khác, mọi người khi ho hoặc hắt hơi cần che miệng bằng khuỷu tay (mặt trong), không che miệng bằng tay.

Tôi có nên tránh đi đến bệnh viện hay đi khám (với Bác sĩ hoặc Nữ hộ sinh) hay không?

Trong suốt quá trình mang thai, thai phụ thường có rất nhiều lịch hẹn khám thai với Bác sĩ và Nữ hộ sinh. Khám thai rất quan trọng và thiết yếu để đánh giá sức khỏe của thai phụ và thai nhi, vì vậy thai phụ không nên tự ý bỏ lịch khám thai nếu không có ý kiến trao đổi với Bác sĩ/nữ hộ sinh. Có những thời điểm khám thai có thể thực hiện qua điện thoại hoặc gọi hình ảnh trực tuyến (video call), bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ quyết định loại hình nào là phù hợp nhất. Nếu thai phụ có những vấn đề về sức khỏe trong thai kỳ, cần liên lạc với bác sĩ hoặc nữ hộ sinh để lựa chọn phương án chăm sóc tốt nhất. Khi thai phụ đến khám tại phòng khám hoặc bệnh viện, chú ý rửa tay thường xuyên khi chạm vào các vật dụng xung quanh, tránh dùng tay sờ/chạm lên mặt và đứng cách xa người khác ít nhất 2 mét trong khu vực phòng chờ. Thai phụ cũng nên rửa tay trước khi rời bệnh viện/phòng khám. Nếu thai phụ có ho, cần phải mang khẩu trang ngay khi đến bệnh viện/phòng khám và thông báo cho người khác biết ngay lập tức. Tốt hơn hết là thông báo cho nhân viên y tế trước khi đến, khi đó họ sẽ chuẩn bị tốt hơn việc thăm khám cho thai phụ và những người xung quanh. Những thai phụ dương tính với COVID-19 đã đặt lịch khám thường quy trước đó, cần liên hệ với bác sĩ hoặc nữ hộ sinh để biết có nên đến khám hoặc hoãn lịch khám sang một ngày khác.

Nhiễm COVID-19 có nguy hiểm cho thai phụ không?

Chúng tôi hiện tại có rất ít thông tin về những sản phụ đã nhiễm COVID-19. Chúng tôi hiểu rằng tốt nhất vẫn là tránh nhiễm bệnh. Tuy nhiên, từ những thông tin mà chúng tôi có, có vẻ như các triệu chứng của thai phụ nhiễm COVID-19 không nặng hơn so với những phụ nữ bình thường (không mang thai) cùng độ tuổi. Những thai phụ có bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh lý về phổi, tăng huyết áp, đái tháo đường hay nhiễm HIV có nguy cơ xuất hiện các triệu chứng nặng hơn. Nếu thai phụ nhiễm nhiễm COVID-19 và có những bệnh lý nền nêu trên, cần phải được theo dõi sát hơn những thai phụ khác. Đa số những thai phụ nhiễm COVID-19 không có triệu chứng sẽ được chăm sóc tại nhà, nhưng nếu có dấu hiệu triệu chứng nặng lên thì cần được khám ngay lập tức. Khi có triệu chứng nặng, thăm khám và chăm sóc cấp cứu là biện pháp tốt nhất để hạn chế các biến chứng nặng cho thai phụ và thai kỳ. Bác sĩ có thể đề nghị làm X-quang nếu cần thiết. Trong trường hợp nặng, cần thiết phải có những biện pháp điều trị tích cực. Đối với bệnh nhân mang thai, nhân viên y tế sẽ có những lựa chọn phương án điều trị an toàn nhất cho thai phụ và thai nhi. Những thai phụ có triệu chứng và cần phải chăm sóc tại bệnh viện thường có nguy cơ cao sẽ chuyển dạ và cần được theo dõi sát. Acetaminophen hay paracetamol là những thuốc hạ sốt an toàn cho thai kỳ trong trường hợp thai phụ có sốt.

Nhiễm COVID-19 có nguy hiểm cho thai nhi không?

Chúng tôi đang có rất ít thông tin về việc virus này có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hay không. Cho đến hiện tại, xét nghiệm máu ở 3 trẻ sơ sinh cho thấy rằng đã có sự phản ứng miễn dịch đối với virus trong thai kỳ. Không có dấu hiệu nào cho thấy COVID-19 làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, cho dù chúng tôi biết chỉ một số ít thai phụ đã nhiễm virus tại những thời điểm nguy cơ nhất trong thai kỳ. Nếu thai phụ sốt cao quanh thời điểm 6 tuần của thai kỳ (tương ứng 4 tuần phát triển của thai), nguy cơ thai nhi có bất thường về não và cột sống sẽ cao hơn. Điều này không đặc hiệu đối COVID-19, nhưng thường liên quan với sốt dù nguyên nhân là gì. Nguy cơ này tuy vậy vẫn rất thấp. Khoảng 2 trong số 1000 thai phụ có sốt trong giai đoạn đầu của thai kỳ có thai nhi gặp những vấn đề trên, so với 1 trong 1000 sản phụ không có sốt. Nên thực hiện siêu âm sàng lọc quý hai tại thời điểm 18 đến 22 tuần để loại trừ các bất thường này.

Nguy cơ lớn nhất cho thai nhi là khi thai phụ có triệu chứng nặng và chuyển dạ trước thời điểm ngày sinh dự kiến; hoặc bác sĩ/nữ hộ sinh đề nghị kết thúc thai kỳ sớm hơn dự kiến vì tình trạng thai nhi xấu đi do ảnh hưởng của các triệu chứng của thai phụ. Nguy cơ cho thai nhi giảm dần khi đến gần ngày sinh dự kiến. Trong quá trình chuyển dạ của những thai phụ nhiễm COVID-19, cơ thể thai phụ có thể không đủ khả năng để thu nhận oxy như bình thường. Điều này làm cho thai nhi sẽ khó khăn hơn trong việc lấy oxy từ mẹ trong lúc chuyển dạ. Trong những trường hợp này, chúng tôi khuyên thai phụ nên sinh tại bệnh viện để có những phương án theo dõi sát sao hơn hoặc trong trường hợp cần thiết có thể mổ lấy thai. Cho đến hiện tại, chưa có bằng chứng phải chỉ định mổ lấy thai chủ động nếu thai phụ nhiễm COVID-19, nếu không có lý do khác đi kèm. Với một số ít bằng chứng hiện tại, khi thai phụ nhiễm COVID-19 tại thời điểm chuyển dạ, có khoảng 1 trong 20 trẻ sơ sinh sẽ có dấu hiệu nhiễm trùng trong vài ngày đầu sau sinh. Có khả năng cao là trẻ sơ sinh đã nhiễm virus quanh thời điểm chuyển dạ (trước hoặc sau). Chúng tôi đã biết rằng có 3 trẻ sơ sinh cần phải điều trị tích cực nhưng có dấu hiệu phục hồi rất tốt. 

Một vài nghiên cứu trên những virus tương tự cho thấy có những ảnh hưởng không tốt lên sự tăng trưởng của thai nhi nếu thai phụ nhiễm bệnh. Đa số các chuyên gia đều khuyến cáo rằng nên siêu âm ít nhất 01 lần sau khi hồi phục 2 đến 4 tuần để đảm bảo thai nhi đang phát triển tốt. Sau đó, nên làm siêu âm thường quy ít nhất mỗi 4 tuần để khảo sát sự phát triển của thai nhi.

COVID-19 có gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh sau sinh không?

Hiện tại vẫn chưa rõ thai phụ nhiễm COVID-19 có nên cách ly với trẻ sơ sinh hay không. Mỗi khu vực có những cách xử trí khác nhau dựa vào năng lực, hoàn cảnh của từng vùng trong việc phòng, chống COVID-19. Thông thường, nhân viên y tế sẽ khuyên thai phụ nên ở cạnh trẻ sơ sinh nếu không có triệu chứng. Trong một vài trường hợp, có thể cần phải cách ly thai phụ với trẻ sơ sinh. Thai phụ cần trao đổi với Bác sĩ hoặc nữ hộ sinh trong trường hợp cần phải cách ly này. Cần phải hết sức cẩn thận để hạn chế lây truyền cho trẻ. Cách tốt nhất vẫn là rửa tay sạch trước khi chạm vào người trẻ, tránh chạm vào mặt, tránh ho hoặc hắt hơi vào người trẻ hoặc mang khẩu trang khi chăm sóc. Nếu không bế trẻ (ví dụ trong lúc trẻ ngủ), cố gắng giữ khoảng cách với trẻ ít nhất 2 mét để làm hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho trẻ.

Có nên cho con bú khi nhiễm COVID-19?

Một vài thai phụ dương tính với COVID-19 đã được làm xét nghiệm và cho thấy không tìm thấy dấu vết của virus trong sữa mẹ. Vì vậy, cho con bú trong trường hợp nhiễm COVID-19 có vẻ như an toàn. Thai phụ cần phải cẩn thận để hạn chế lây truyền cho trẻ. Cách tốt nhất vẫn là rửa tay sạch trước khi chạm vào người trẻ, tránh chạm vào mặt, tránh ho hoặc hắt hơi vào người trẻ hoặc mang khẩu trang khi cho bú. Một phương án khác là có thể vắt sữa bằng tay và nhờ người khỏe mạnh cho trẻ bú bình. Nếu vắt sữa bằng tay, thai phụ cần đảm bảo phải rửa tay sạch trước khi vắt.

Nếu một người nào đó trong nhà nhiễm COVID-19 sau khi bạn sinh em bé?

Nếu người đó là người trực tiếp chăm sóc trẻ, họ cần phải hết sức cẩn thận để hạn chế lây truyền cho trẻ. Cách tốt nhất vẫn là rửa tay sạch trước khi chạm vào trẻ, tránh ho hoặc hắt hơi vào người trẻ hoặc mang khẩu trang khi chăm sóc trẻ.

Nếu họ không trực tiếp chăm sóc trẻ, cách tốt nhất vẫn là luôn luôn giữ khoảng cách với trẻ tối thiểu 2 mét. Cần chú ý rằng rửa tay trước khi chăm sóc trẻ cho dù thai phụ không nhiễm bệnh, vì thai phụ có thể chạm vào các vật dụng trong gia đình đã nhiễm virus trong quá trình sinh hoạt chung với người nhiễm bệnh. Thai phụ cũng cần phải giữ khoảng cách ít nhất 2 mét với người nhiễm và rửa tay thường xuyên để tránh nhiễm bệnh. Nếu thai phụ đã nhiễm COVID-19 trước đó, những bằng chứng hiện tại cho thấy rằng cơ thể sẽ có miễn dịch chống lại virus và sẽ không biểu hiện bệnh lần nữa. Tuy nhiên, trong trường hợp này, rửa tay trước khi sờ/chạm vào người trẻ là vẫn cách tốt nhất để phòng lây truyền virus từ người bệnh hoặc các vật dụng trong nhà.

Những câu hỏi bạn nên hỏi bác sĩ hoặc nữ hộ sinh, vì khuyến cáo có thể khác nhau giữa các nước/khu vực:

  • Tôi đã từng tiếp xúc với người có triệu chứng của COVID-19, tôi có cần phải làm xét nghiệm hay không?
  •  Nếu tôi có triệu chứng của COVID-19, tôi có cần phải làm xét nghiệm hay không?
  • Tôi và gia đình có nên tự cách ly tại nhà hay không?
  • Tôi nhiễm COVID-19 từ trong giai đoạn sớm của thai kỳ, khi nào thì tôi nên đi siêu âm để kiểm tra sức khỏe của thai nhi?
  • Có nên tránh xa con tôi khi tôi nhiễm COVID-19?

 

Chú ý:

Nội dung của [bản in/website của chúng tôi] chỉ cung cấp những thông tin đại chúng. Không được dùng làm cơ sở để đưa ra các lời khuyên về y tế mà bạn có thể dựa vào. Bạn cần có những tư vấn từ nhân viên y tế chuyên khoa tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi cá nhân trước khi đưa ra những biện pháp, chỉ định dựa vào hay không dựa vào những nội dung này. Mặc dù chúng tôi đang nỗ lực để đưa ra những thông tin cập nhật trên [bản in/website của chúng tôi], chúng tôi không thể đảm bảo, dù rõ ràng hay là ngụ ý, rằng những nội dung này là chính xác, đầy đủ và cập nhật.  

                                                    Lần cập nhật cuối cùng 28/03/2020

 

Share